Giá vàng trong nước liên tục biến động khó lường, chênh lệch lớn so với giá thế giới, đã trở thành một trong những vấn đề “nóng” nhất được dư luận quan tâm. Thị trường vàng hiện chuẩn bị có nhiều thay đổi mạnh mẽ như xóa độc quyền, lập sàn vàng… được dự báo sẽ tạo ra một sân chơi minh bạch và hấp dẫn.
Pháp luật online có bài viết “Thị trường vàng Việt Nam sắp có bước ngoặt lịch sử” với nội dung như sau:
Hai chuyên gia kinh tế đến từ Đại học RMIT Việt Nam có những chia sẻ xung quanh vấn đề này.
Phá thế độc quyền vàng miếng SJC
+Thủ tướng vừa chỉ đạo xem xét lập sàn giao dịch vàng. Trong khi đó, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu bỏ độc quyền thương hiệu vàng… Bà đánh giá ra sao tính tích cực của các thông điệp trên?
.Tiến sĩ Đào Lê Trang Anh: Cả hai chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính đều thể hiện quyết tâm cải cách toàn diện thị trường vàng tại Việt Nam, nhằm hướng tới một môi trường minh bạch, cạnh tranh lành mạnh và hiệu quả hơn.
Đối với yêu cầu của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc xóa bỏ thế độc quyền thương hiệu vàng miếng, điều này cho phép nhiều doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia sản xuất là bước tiến quan trọng trong cải cách cơ chế quản lý thị trường vàng.
Việc xóa bỏ thế độc quyền thương hiệu vàng sẽ tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, đa dạng hóa nguồn cung vàng miếng, góp phần giảm chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới.
Quan trọng hơn, chủ trương này thể hiện sự chuyển dịch tư duy quản lý từ mô hình “kiểm soát chặt để quản lý” sang cách tiếp cận “mở rộng để điều tiết hiệu quả”, phù hợp với định hướng phát triển nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa.
Tiến sĩ Đào Lê Trang Anh
Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, việc xây dựng cơ chế giám sát nghiêm ngặt và hệ thống kiểm định chất lượng rõ ràng đối với các thương hiệu vàng miếng mới là điều kiện bắt buộc.
Đối với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc nghiên cứu thành lập sàn giao dịch vàng, đây là một bước đi tích cực nhằm minh bạch hóa thị trường, giúp người dân được tự do mua bán, giao dịch vàng một cách hợp pháp và thuận tiện.
Việc thành lập sàn giao dịch vàng được kỳ vọng sẽ góp phần công khai hóa thông tin giá cả, khối lượng giao dịch, hạn chế tình trạng đầu cơ, thao túng giá, đồng thời giúp Nhà nước quản lý tốt hơn lượng vàng trong dân, từ đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
+ Mới đây nhất, Ngân hàng Nhà nước cũng thông tin sẽ có thêm nhiều thương hiệu được sản xuất vàng bên cạnh vàng SJC. Việc bỏ độc quyền SJC sẽ tác động như thế nào đến giá vàng miếng trong nước, đặc biệt là khoảng cách chênh lệch với giá vàng thế giới? Liệu có đảm bảo giá vàng miếng trong nước sẽ về sát giá quốc tế một cách bền vững?
.Tiến sĩ Đào Lê Trang Anh: Hiện nay, do chỉ có một doanh nghiệp là SJC được sản xuất vàng miếng theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP, thị trường rơi vào tình trạng độc quyền nguồn cung, trong khi nhu cầu cao khiến giá vàng SJC thường cao hơn thế giới từ 10–20 triệu đồng/lượng.
Khi bỏ độc quyền, chúng ta có thể dự đoán là giá vàng trong nước giảm về gần giá thế giới trong ngắn hạn, do hai yếu tố.
Đó là nguồn cung sẽ dồi dào hơn, nhiều doanh nghiệp tham gia sản xuất và phân phối sẽ phá thế độc quyền, làm giảm sức ép tăng giá do khan hiếm hàng. Và tính cạnh tranh tăng lên, dẫn đến giá bán sát hơn với giá nhập khẩu (bao gồm giá vàng quốc tế cộng với chi phí vận chuyển và thuế), từ đó rút ngắn khoảng cách với giá thế giới.
Tuy việc xóa bỏ độc quyền trong sản xuất vàng miếng là điều kiện cần thiết, nhưng để giá vàng trong nước duy trì ổn định và từng bước tiệm cận giá vàng thế giới một cách bền vững, cần hội tụ thêm nhiều điều kiện khác.
Cụ thể, cần xây dựng chính sách nhập khẩu vàng minh bạch và linh hoạt, tăng cường công tác giám sát nhằm ngăn chặn hành vi đầu cơ, thao túng giá, và thúc đẩy sự minh bạch của thị trường thông qua việc phát triển sàn giao dịch vàng tập trung. Bên cạnh đó, một nền kinh tế vĩ mô ổn định với chính sách tài khóa và tiền tệ hợp lý cũng đóng vai trò then chốt trong việc tạo dựng niềm tin thị trường và hỗ trợ quá trình điều tiết giá vàng hiệu quả.
+ Khi không còn độc quyền SJC, làm thế nào để đảm bảo chất lượng vàng miếng lưu thông trên thị trường? Có cần các quy định về tiêu chuẩn, kiểm định chất lượng cho vàng miếng nói chung không?
.Tiến sĩ Lê Hồng Hạnh: Chủ trương xóa bỏ thế độc quyền vàng miếng mở ra cơ hội cho nhiều thương hiệu vàng cùng tham gia thị trường, góp phần thúc đẩy cạnh tranh và minh bạch hóa hoạt động kinh doanh vàng.
Tuy nhiên, việc đa dạng hóa nguồn cung cũng đặt ra thách thức lớn về đảm bảo chất lượng vàng miếng lưu thông trên thị trường. Khi không còn độc quyền SJC, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời hỗ trợ sàn vàng quốc gia vận hành minh bạch và hiệu quả, các quy định nghiêm ngặt về tiêu chuẩn và kiểm định chất lượng là hết sức cần thiết.
Để đảm bảo chất lượng vàng miếng lưu thông trên thị trường, cần xây dựng các quy định cụ thể về tiêu chuẩn chất lượng như độ tinh khiết, trọng lượng và hình thức sản phẩm. Đồng thời, áp dụng quy trình kiểm định hiện đại, sử dụng công nghệ tiên tiến để đảm bảo tính chính xác và minh bạch.